Thứ 5, 21/11/2024, 18:38 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Thêm một người trên thế giới được chữa khỏi HIV

Thêm một người trên thế giới được chữa khỏi HIV
(Tieudung.vn) - Giới khoa học ghi nhận người thứ 7 trên thế giới - được gọi là "Bệnh nhân Berlin tiếp theo" vừa được chữa khỏi HIV nhờ liệu pháp tế bào gốc.

Theo Fierce Biotech, trường hợp của bệnh nhân này không chỉ được ghi vào lịch sử, mà còn cung cấp nhiều thông tin quý giá, có thể dẫn đến một phương pháp tiếp cận rộng rãi hơn cho 39 triệu người đang sống với vi rút HIV trên toàn cầu.

Theo đó, người đàn ông 60 tuổi, chưa được công khai danh tính và hình ảnh, đã trải qua ca phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc, nhưng không phải để chữa HIV mà là ung thư máu, cũng là bệnh rất nguy hiểm. Người này hiện đã khỏi cả 2 căn bệnh. Các bác sĩ gọi ông là “bệnh nhân Berlin tiếp theo”, sau “bệnh nhân Berlin” đầu tiên là Timothy Ray Brown, người được chữa khỏi HIV vào năm 2008 cũng bằng phương pháp ghép tế bào gốc.

Ghép tế bào gốc có thể chữa khỏi HIV một phần, vì quá trình hóa trị, xạ trị đã phá hủy hệ miễn dịch của người , thay thế nó bằng hệ miễn dịch khỏe mạnh của người hiến tặng.

Thêm một người trên thế giới được chữa khỏi HIV

Hình ảnh hiển thị virus HIV đang xâm nhập vào tế bào T (tế bào miễn dịch). Ảnh: NIAID

Ở 5 trong số 7 trường hợp khỏi HIV bằng phương pháp này, bác sĩ đã tìm thấy những người hiến tặng có khiếm khuyết tự nhiên ở cả hai bản sao của một gene tạo protein có tên CCR5 trên bề mặt tế bào miễn dịch. Hầu hết chủng HIV bám vào protein này để lây nhiễm tế bào. Nếu CCR5 không hoạt động, các tế bào miễn dịch sẽ kháng HIV.

Người hiến tặng của bệnh nhân Đức chỉ có một bản sao gene CCR5, nghĩa là các tế bào miễn dịch chỉ có một nửa lượng protein bình thường. Bệnh nhân Đức cũng có một bản sao của gene. Kết hợp hai yếu tố di truyền đó, cơ hội chữa khỏi bệnh tăng cao hơn.

Hiện tại, thế giới ghi nhận 6 người khỏi HIV bằng phương pháp tế bào gốc. Bệnh nhân đầu tiên là Timothy Ray Brown, còn gọi là "bệnh nhân Berlin". Trường hợp này được công bố năm 2008, đã thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu HIV. Ông qua đời vào năm 2020 vì bạch cầu tái phát.

Người thứ hai là Adam Castillejo, hay "bệnh nhân London". Ông được ghép tế bào gốc để điều trị ung thư máu và tủy xương năm 2016, ngừng điều trị HIV năm 2017.

Năm 2018, thế giới tiếp tục ghi nhận Marc Franke, "bệnh nhân Düsseldorf". Ông được coi là đã khỏi bệnh, ngừng dùng thuốc kháng virus vào tháng 11 cùng năm.

Paul Edmonds, hay "Bệnh nhân Thành phố Hy vọng", là trường hợp chữa khỏi HIV lớn tuổi nhất tính đến nay. Ông ghép tế bào gốc năm 2019, đã được hóa trị cường độ thấp. Năm 2021, ông ngừng dùng thuốc kháng virus mà không tái phát HIV.

Bệnh nhân thứ 5 sống tại New York, là người đầu tiên có dòng máu lai khỏi HIV. Bà được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu năm 2017, đã ghép tế bào gốc có bổ sung máu cuống rốn. Điều này giúp bệnh nhân phù hợp với nhiều người hiến tặng hơn.

Bệnh nhân gần đây nhất sống ở Gen. Ông ngừng điều trị HIV kể từ tháng 11/2021. Các nhà nghiên cứu khá thận trọng về trường hợp này, vì tế bào miễn dịch của ông không có khả năng kháng HIV.

Trường hợp được chữa khỏi HIV mới nhất này dự định sẽ được công bố tại Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 25, được tổ chức tại thành phố Munich ở Đức vào tuần tới. 

Tags:
4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.83755 sec| 776.844 kb